Loading...
22/07/2024
Bệnh ghẻ ở chó do hai loài ve khác nhau là cái ghẻ (Sarcoptes) và mò bao lông (Demodex) gây ra. Mặc dù biểu hiện chung là những cơn ngứa nhưng hình thái thể hiện của mỗi bệnh có phần khác nhau. Bệnh do cái ghẻ được lây lan từ động vật bệnh, cái ghẻ đào hang đẻ trứng dưới da gây ra những cơn ngứa dữ dội ngay khi xâm nhiễm. Trong khi đó mò bao lông là loài ve ký sinh trong nang lông, bệnh chỉ xảy ra khi mò bao lông sinh sôi quá nhiều vượt qua khả năng đề kháng, gây kích ứng da và rụng lông (Ravera et al. 2013). Mặc dù bệnh ghẻ không gây nguy hiểm cho tính mạng chó, nhưng sức khỏe của thú cưng có thể giảm sút nhanh chóng nếu bị nhiễm trùng nghiêm trọng hay mất ăn, mất ngủ.
BỆNH DO MÒ BAO LÔNG
Đặc điểm mầm bệnh
Hình thái
Mò bao lông (Demodex canis) là loài ve thuộc chi Demodex họ Demodecidae. Mỗi loài Demodex đặc trưng cho vật chủ, ví dụ ở ký sinh chính ở chó là Demodex canis, ký sinh chính ở mèo là Demodex cati. Do đó, bệnh không lây truyền giữa các loài động vật khác nhau.
Demodex canis trưởng thành có chiều dài 150-285 mm, con cái ngắn hơn và tròn hơn con đực. Demodex canis có một cơ thể dài trong suốt với tám chân ngắn, được gắn vào phân khúc cơ thể đầu tiên.
Demodex di chuyển với tốc độ 8-16 mm/ giờ chủ yếu vào ban đêm ánh sáng ngày khiến con ve chui vào trong nang lông. Cơ thể được bao phủ bởi các vảy để tự bám vào nang lông và Demodex có phần miệng giống như đầu đinh để ăn các tế bào da, kích thích tố và dầu (bã nhờn) tích tụ trong các nang lông.
Vòng đời
Quá trình giao phối diễn ra trong lỗ nang và trứng được đẻ bên trong nang lông hoặc tuyến bã nhờn. Sau 3-4 ngày, trứng nở ra ấu trùng sáu chân và ấu trùng phát triển thành con trưởng thành trong khoảng 7 ngày. Tổng tuổi thọ của Demodex là vài tuần, xác Demodex sẽ phân hủy bên trong các nang lông hoặc tuyến bã nhờn.
Dịch tễ học
Demodex ký sinh ở chó chủ yếu là loài Demodex canis, đôi khi cũng phát hiện được loài ký sinh ở chó là Demodex injai hoặc Demodex cornei nhưng rất hiếm (Plant et al., 2011). Demodex ký sinh ở nang lông và tuyến bã nhờn, thường được tìm thấy trên măt bao gồm má, mũi, cằm, trán, thái dương, mi mắt, lông mày và cả trên da đầu, cổ, tai. Chúng cũng có thể được tìm thấy trên dương vật, rãnh mũi má, mông và ở các tuyến bã nhờn ở niêm mạc vùng bẹn.
Demodex được chuyển giữa các vật chủ thông qua sự tiếp xúc của lông, lông mày và các tuyến bã nhờn trên mũi. Nhiều chó con nhận được sự tiếp xúc ban đầu từ chó mẹ trong những ngày đầu tiên của cuộc đời khi bú. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch của động vật khỏe mạnh giúp kiểm soát số lượng Denodex canis nên không làm tăng cơ hội phát triển bệnh (Ravera et al.,2013).
Khả năng tiến triển của bệnh lâm sàng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bao gồm; khiếm khuyết di truyền, thay đổi cấu trúc và hóa sinh của da, rối loạn miễn dịch, tình trạng nội tiết tố, giống, tuổi, tình trạng dinh dưỡng, stress, độ dài của lông, giai đoạn của chu kỳ động dục, sinh sản, viêm nội mạc và các bệnh suy nhược. Trong số này, tình trạng miễn dịch được cho là đáng kể nhất. Bệnh toàn thân đòi hỏi một môi trường da thuận lợi về mặt sinh thái và miễn dịch cho sự xâm nhập cực mạnh của Demodex canis. Với số lượng lớn Demodex có thể làm tăng tỷ lệ tự hủy tế bào hoặc suy kiệt miễn dịch của tế bào TCD4. Sự gia tăng hủy tế bào của bạch cầu ngoại vi dẫn đến sự tiến triển của các biểu hiện lâm sàng.
Bệnh có thể xảy ra ở chó từ 18 tháng tuổi trở xuống do tình trạng suy giảm miễn dịch liên quan đến bệnh viêm nội tạng, suy dinh dưỡng hoặc suy nhược sức khỏe. Chó con cũng có thể phát triển bệnh do hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành hoặc suy giảm miễn dịch đặc hiệu với ve. Tỉ lệ lưu hành gia tăng ở một số giống chó nhất định cho thấy cơ sở di truyền đối với bệnh khởi phát ở chó chưa trưởng thành. Ở những con chó trên 18 tháng tuổi, bệnh có thể xảy ra do ức chế miễn dịch do thuốc hoặc bệnh toàn thân, do đó, những con chó mắc bệnh khởi phát khi trưởng thành nên được khám sức khỏe chi tiết để xác định các bệnh tiềm ẩn.
Bệnh lý lâm sàng
Các triệu chứng của bệnh mò bao lông bao gồm: Chó thường tự chà sát mặt hoặc đầu, lông rụng từng mảng, viêm da, có dầu thừa trên da, đóng vảy trên da, bàn chân sưng tấy. Bệnh có thể xảy ra với các bệnh tích khác nhau như:
Bệnh tích cục bộ: Xếp loại là cục bộ khi có không quá 4 vị trí tổn thương da, đường kính vị trí tổn thương <= 2.5cm. Bệnh tích thường thấy ở vùng mặt chó con. Hầu hết các trường hợp cục bộ sẽ tự khỏi sau 6-8 tuần mà không cần điều trị khi hệ thống miễn dịch hoàn chỉnh.
Bệnh tích lan rộng: Xếp loại là bệnh tích lan rộng khi có hơn 4 vùng tổn thương trên da và đường kính tổn thương >2.5cm. Trường hợp này thường dễ nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn, khi đó chó bị ngứa dữ dội và có mùi hôi.
Viêm da chân: Bệnh tích chỉ nằm trên bàn chân. Nó gây ra nhiễm trùng do vi khuẩn thứ cấp nằm giữa các miếng đệm và các ngón chân. Đây là loại khó chữa khỏi nhất.
Chẩn đoán
Demodex canis sống chủ yếu trong các tuyến bã nhờn và nang lông. Chúng có thể tồn tại trong da của động vật mà không có biểu hiện bệnh tích. Rụng lông và các tổn thương da phát triển khi quần thể bọ ve phát triển quá mức. Mặc dù cả phương pháp cạo ở bề mặt da và bề mặt sâu đều có thể phát hiện ra sự hiện diện của bọ ve trên da, nhưng việc cạo sâu có thể phát hiện ra bọ ve Demodex ở một số ca bệnh khi vết cào bề ngoài âm tính.
Kỹ thuật cạo da sâu nhằm vào một vùng da nhỏ (< 2 cm2 ) có thể hữu ích nếu ấn nhẹ lên da hoặc thực sự là ép vùng da quan tâm giữa ngón tay cái và ngón tay để cố gắng ép mạt từ sâu hơn đến bề mặt da bề ngoài hơn. Ở một số giống chó như Old English Sheepdogs và Shar-Peis, việc phát hiện ve trên vết cào da có thể đặc biệt khó khăn. Trong những trường hợp như vậy, khi nhiễm Demodex nhưng kết quả cạo da nhiều lần là âm tính thì sinh thiết da là thích hợp.
Kỹ thuật: Nhỏ một giọt dầu khoáng lên lưỡi dao cắt tròn (#10 hoặc #20). Véo da tại khu vực quan tâm và cạo da một cách mạnh mẽ để loại bỏ lớp biểu bì bề ngoài. Khu vực này sẽ chuyển sang màu đỏ (không có máu) nếu việc cạo được thực hiện đúng cách. Cho hỗn hợp dầu/ cặn vào kính hiển vi và kiểm tra ở độ phóng đại 10x. Ve và trứng của chúng sẽ có thể nhìn thấy rõ ràng ở độ phóng đại thấp, nhưng việc xác định chính xác con ve sẽ yêu cầu độ phóng đại 40 lần. Có thể phải dùng kim chọc vào các mảnh vụn trên lam kính hiển vi, đặc biệt là khi có hiện tượng tăng sừng đáng kể.
Ở những vùng nhạy cảm khó cạo da (ví dụ như bàn chân, vùng da giữa, quanh ổ mắt), có thể thực hiện bằng kỹ thuật “trichoGram”. Cách thực hiện: Nhổ một lượng nhỏ lông ở vùng tổn thương bằng cách sử dụng kẹp, kẹp theo hướng mọc của lông; giữa kẹp sát bề mặt da và nhổ lấy tất cả các sợi lông mọc lên. Nhỏ một giọt dầu khoáng lên phiến kính, đặt các sợi lông theo thứ tự song song trên dầu khoáng, tách chúng ra để đánh giá đầy đủ rễ và ngọn của sợi nấm. Kiểm tra sợi lông dưới kính hiển vi có thể tìm thấy ve Demodex bám trên sợi lông hoặc đôi khi ẩn nấp sau lông. Cũng có thể tìm thấy chí, ve Cheyletiella và trứng của chúng.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, không quan sát thấy ve bằng kỹ thuật cạo da hoặc trichoGram, sinh thiết da có thể chứng minh có ve Demodex trong lông, nang lông hoặc trong tuyến/ ống dẫn bã nhờn. Kỹ thuật này cần thiết trong các trường hợp Demodex liên quan đến bàn chân.
Phương pháp tuyển nổi phân nên được thực hiện cùng với việc thăm khám lâm sàng khi nghi ngờ bệnh do mò bao lông. Do hành vi liếm lông của chó, mò bao lông có thể được chải khỏi da lông và sẽ di chuyển qua hệ thống tiêu hóa để được tìm thấy trong phân. Phương pháp chẩn đoán này có thể đặc biệt hữu ích chó hung hăng, khó lấy mẫu da.
Phòng trị bệnh
Tiên lượng chung cho việc giải quyết các tổn thương da là tốt, nhưng tiên lượng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và các điều kiện cơ bản hoặc sự hiện diện của ức chế miễn dịch. Điều trị toàn diện nên bao gồm (i) Sử dụng thuốc hiệu quả, (ii) Đánh giá mọi rối loạn tiềm ẩn và điều trị thích hợp khi được phát hiện, (iii) Điều trị kháng sinh khi có viêm da mủ (iv) Có thể phải điều trị vài tháng để loại bỏ bọ ve.
Nên tiếp tục phát đồ điều trị đã chọn trong 1-2 tháng sau khi không còn phát hiện thấy ve trên vết cạo trên da.
Các phương pháp điều trị bao gồm việc sử dụng các sản phẩm có chứa nhóm Isoxazoline (Afoxolaner, Lotilaner, Sarolaner, Fluralaner), hoặc các sản phẩm chứa nhóm Lactone macrocyclic (Milbemycin oxime, Moxidectin/ Imidacloprid, Ivermecin, Doramectin). Chú ý một số loài chó, đặc biệt là các giống chó chăn gia súc như Collies, Shetland Sheepdogs, Border Collies, Australian Shepherd và Old English Sheepdogs, có thể có đột biến gen MDR1 của chúng và do đó làm tăng nguy cơ nhiễm độc đối với macrocyclic lactones. Các dấu hiệu nhiễm độc bao gồm giãn đồng tử, tiết nhiều nước bọt, hôn mê và tử vong.
Một số liệu trình có thể sử dụng:
+ Thuốc mỡ Rotenone: bôi ngày 1 lần và ngày 2 lần cho các vùng có nhiều lông. Cảnh báo chủ sở hữu rằng các khu vực rụng lông có thể trở nên lớn hơn khi bắt đầu điều trị, từ việc rụng lông cơ học trong quá trình bôi thuốc và sự lây lan ra bên ngoài của bọ ve.
+ Gel benzoyl peroxide: Bôi ngày 1 lần cho các vùng rụng lông. Nó không giết hoặc loại bỏ ve khỏi nang lông nhưng giúp hạn chế nhiễm trùng thứ cấp và rút các nang lông.
Nhiều trường hợp bệnh cục bộ có thể tự khỏi, nhưng nhiễm trùng thứ phát phải được giải quyết vì có thể tiến triển thành dạng toàn thân, vì vậy cần chú ý đến các tổn thương mới hoặc các dấu hiệu lâm sang xấu đi.
Đối với chó chưa trưởng thành:
+ Điều trị tất cả các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và ký sinh trùng thứ cấp đồng thời. Điều chỉnh sự mất cân bằng dinh dưỡng. Thiến những con chó bị bệnh toàn thân.
+ Điều trị bằng bôi Amitraz (dung dịch pha loãng 0,025 -0,06%) dung cho chó >= 4 tháng tuổi. Tắm cho chó bằng dầu gội có chứa benzoyl peroxide và lau khô, sau đó nhúng amitraz pha loãng lên chó, đảm bảo làm ướt tất cả các bề mặt da và để khô trong không khí. Dùng thuốc 1 tuần/ lần cho đến xét nghiệm cạo da âm tính khi hai lần cách nhau 2 tuần; tiếp theo với một lần nhúng amitraz nữa.
Đối với chó trưởng thành:
+ Điều trị tất cả các bệnh nhiễm trùng thứ cấp, với việc lựa chọn kháng sinh dựa trên nền tảng vi khuẩn cho các trường hợp mãn tính. Nhiễm trùng nặng do vi khuẩn cần được điều trị để thuyên giảm trước khi bắt đầu nhỏ thuốc Amitraz. Những con chó bị bệnh bàn chân, nên cho đứng trong dung dịch amitraz. Các trường hợp nặng có thể ngâm mỗi tuần/ 1 lần với Amitraz có nồng độ tăng 2 lần.
+ Ivermectin: Liều ban đầu là 0,1 mg/kgP, uống hoặc tiêm dưới da 1 liều trong 7 ngày, sau đó tăng lên 0,2 mg/kgP, tuần 1 lần trong 3 tuần tiếp theo. Nếu nhìn thấy ve sống và giai đoạn con non, tăng lên 0,3mg/kgP, tuần 1 lần trong 1 tháng nữa và đánh giá lại con vật. Không dùng Ivermectin cho chó < 12 tuần tuổi. Không dùng đồng thời với Amitraz.
+ Doramectin 0.6 mg/kgP, uống hoặc tiêm dưới da 1-2 lần/ tuần.
+ Milbemycin: 1-2 mg/kg uống, ngày 1 lần, sử dụng cho các giống chó chống chỉ định Ivermectin. Nếu thấy ve sống và/ hoặc giai đoạn chưa thành niên sau 1 tháng điều trị, thì có thể tăng liều gấp đôi. Điều trị nên tiếp tục trong 2 tháng sau hai lần cạo da âm tính cách nhau 2 tuần. Milbemycin không nên được sử dụng đồng thời với Ivermectin hoặc Amitraz.
Một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến thất bại điều trị là kết thúc điều trị quá sớm. Do đó, để kết thúc điều trị cần dựa vào thời gian điều trị, thay vì biểu hiện lâm sàng, vì những con chó đã được cải thiện về mặt lâm sàng vẫn có thể chứa mò bao lông. Cho nên cần:
+ Thực hiện thăm khám kiểm tra lại và cạo da 4 tuần một lần để theo dõi phản ứng.
+ Tiếp tục điều trị cho đến khi thu được 2 vết cạo âm tính liên tiếp. Tối thiểu 4 đến 6 vị trí cạo da âm tính. Thông thường, cần điều trị ít nhất từ 3 đến 4 tháng.
+Nếu số lượng mò không giảm sau vài lần cạo da, đặc biệt là nếu thấy mò đang sinh sản (trứng, ấu trùng và nhộng), hãy điều tra lại để tìm nguyên nhân cơ bản hoặc xem xét phương pháp điều trị thay thế.
+Theo dõi chó bệnh trong 12 tháng sau khi ngừng điều trị, với việc kiểm tra lại và cạo da 3 -4 tháng/ lần để theo dõi các đợt tái phát. Hãy nhớ rằng, trong quá trình theo dõi, sự hiện diện của bất kỳ con ve Demodex nào còn sống, đã chết và/ hoặc các mảnh ve Demodex trên các vết cạo trên da đều được coi là dương tính, cho thấy cần phải tiếp tục điều trị.
-------
Nguồn bài viết: GS.TS.Nguyễn Đức Hiền, ThS. Nguyễn Ngọc Phú Vinh, TS. Huỳnh Minh Trí, ThS. Phạm Minh Thư, ThS.Trần Khánh Long (2023). Bệnh thường gặp trên các loài chó. NXB Đại học Cần Thơ.
Sản phẩm liên quan
Bài viết liên quan